Huyết áp

TĂNG HUYẾT ÁP – “KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG”

 

Thứ nhất, tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Ngay tại Việt Nam, thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ THA ở người lớn là 25,1% (!)

Thứ hai, THA đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. WHO đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê THA là “kẻ giết người số 1”. Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị THA, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị THA. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương.

Các biến chứng thường gặp của THA đã được đề cập đến là:

– Các biến chứng tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim…

– Các biến chứng về não: tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA…

– Các biến chứng về thận: đái ra protein; suy thận…

 – Các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

– Các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.

Thứ ba, đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng.

Thứ tư, THA ở người lớn đại đai số là không có căn nguyên (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Do vậy, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không đặc hiệu và không có gì khác biệt so với người bình thường.

Thứ năm, mặc dù THA đã được chứng minh sự nguy hiểm như vậy, nhưng ngay cả tới hiện nay, THA vẫn tồn tại như là một “bộ ba nghịch lý” đó là:

– THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo khá đơn giản) nhưng người ta lại thường không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ.

– THA là bệnh kiểm soát được nhưng số người được điều trị không nhiều.

– THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người mắc dù được điều trị đạt mục tiêu cũng không nhiều.

Và do vậy, đã rất nghiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.

Chúng ta có thể ngăn chặn, chống lại được “Kẻ giết người thầm lặng” này không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân bạn rất nhiều.

Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là “vũ khí” lợi hại hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù thầm lặng này”. Những lời khuyên hữu ích là:

– Giảm cân nặng nếu thừa cân.

– Không hút thuốc lá, thuốc lào.

– Ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất béo bão hòa.

– Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần).

– Tập thể dục đều dặn.

– Uống rượu bia có chừng mực (nếu đã có thói quen).

– Tránh căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống hài hòa.

Hãy kiểm tra huyết áp của bạn thường xuyên hơn.

Hãy kiểm tra các nguy cơ khác: rối loạn đường huyết, lipid máu…

Hãy là người chăm sóc sức khoẻ thông thái để không rơi vào “bộ ba nghịch lý” nói trên. Hãy chủ động phòng ngừa ngay từ hôm nay với ứng dụng theo dõi và quản lý sức khoẻ Bác Sỹ Ơi cùng hai trợ thủ đắc lực: Máy đo huyết áp thông minh Diamond Cuffmáy đo đa thông số toàn diện Fora 6 Connect của ForaCare – Thuỵ Sỹ.

 

 

(Theo Chương trình Quốc gia phòng chống tăng huyết áp)