Khả năng lành vết thương kém ở bệnh tiểu đường là kết quả của một quá trình sinh lý bệnh phức tạp liên quan đến các thành phần mạch máu, bệnh lý thần kinh, miễn dịch và sinh hóa.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, lượng Glucose máu luôn cao hơn ngưỡng bình thường, điều này khiến cho khả năng nhận dinh dưỡng và oxy của tế bào bị suy giảm, đồng thời hạn chế chức năng của hệ thống miễn dịch, ức chế khả năng chống lại tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm…) của cơ thể và tăng nguy cơ bị viêm cho bệnh nhân.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân bị tiểu đường thường hay gặp vấn đề với hệ thống thần kinh cảm nhận vết thương hay cảm giác đau của cơ thể. Do đó làm giảm sự nhạy bén của hệ thần kinh, khiến cơ thể không nhận ra vết thương trên cơ thể, đặc biệt ở những giai đoạn đầu.
Sự lưu thông tuần hoàn mạch máu giảm làm giảm lượng máu đưa đến vết thương dẫn tới giảm khả năng nuôi dưỡng cũng như phục hồi vết thương, kéo dài thời gian lành thương, các phản ứng viêm cũng diễn ra trong thời gian dài hơn bình thường.
Không những thế, ở những người bệnh tiểu đường, cơ thể có thể sản xuất ra một số loại enzym, hormon gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch để làm chậm quá trình lành vết thương.
Việc suy giảm chức năng hệ miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường cũng là một yếu tố thuận lợi để tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn virus khác, làm nặng thêm tình trạng tổn thương, điều trị cũng khó khăn hơn.