Lượng đường trong máu thay đổi thường xuyên trong ngày. Lượng đường trong máu thấp là khi giảm xuống dưới 70 mg/dL. Lúc này, bạn cần hành động để đưa đường huyết trở lại mức bình thường. Hạ đường huyết đặc biệt phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Biết cách xác định lượng đường trong máu thấp là điều rất quan trọng vì nó có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
NGUYÊN NHÂN GÂY HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Có nhiều lý do khiến bạn có thể bị hạ đường huyết như:
- Dùng quá nhiều insulin.
- Không ăn đủ tinh bột cho lượng insulin đã nạp.
- Thời điểm tiêm insulin.
- Cường độ và thời gian hoạt động thể chất.
- Uống rượu.
- Lượng chất béo, protein và chất xơ trong bữa ăn không cân đối.
- Thời tiết nóng ẩm.
- Những thay đổi bất ngờ trong lịch trình của bạn.
- Đang trong giai đoạn dậy thì, hành kinh.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Cách phản ứng với hạ đường huyết ở mỗi người là khác nhau. Điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu để kịp thời hành động. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Tim đập nhanh
- Run
- Đổ mồ hôi
- Căng thẳng hoặc lo lắng
- Khó chịu hoặc lú lẫn
- Chóng mặt
- Đói
Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào khi lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết vô thức). Nếu bạn không có triệu chứng, việc điều trị sớm sẽ khó hơn. Điều này làm tăng nguy cơ đường huyết bị thấp nghiêm trọng và có thể nguy hiểm. Hạ đường huyết vô thức có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn:
- Bị tiểu đường hơn 5-10 năm.
- Thường xuyên bị hạ đường huyết.
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta để điều trị huyết áp cao.
Nếu bạn có một hoặc nhiều điều kiện trên và bạn bị hạ đường huyết vô thức, bạn có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn để xem liệu đường huyết có thấp hay không. Đây là điều rất quan trọng cần làm trước khi bạn lái xe hoặc hoạt động thể chất.
HẠ ĐƯỜNG HUYẾT BAN ĐÊM
Mặc dù hạ đường huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng một số người có thể bị hạ đường huyết trong khi ngủ. Lý do có thể là:
- Ban ngày hoạt động nhiều.
- Hoạt động thể chất trước giờ đi ngủ.
- Dùng quá nhiều insulin.
- Uống rượu vào ban đêm.
Ăn các bữa ăn đều đặn và không bỏ bữa có thể giúp bạn tránh được hạ đường huyết vào ban đêm. Ăn khi bạn uống rượu cũng có thể hữu ích. Nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ bị hạ đường huyết qua đêm, hãy ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Hãy ghi chú mức độ ảnh hưởng của đồ ăn và hoạt động thể chất đối với lượng đường của bạn để dễ dàng kiểm soát đường huyết hơn.
HẠ ĐƯỜNG HUYẾT NGHIÊM TRỌNG
Khi đường huyết của bạn thấp hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Cảm thấy yếu.
- Gặp khó khăn khi đi lại hoặc không nhìn rõ.
- Hành động kỳ lạ hoặc cảm thấy bối rối.
- Bị co giật.
Lượng đường huyết thấp nghiêm trọng là dưới 54 mg/dL. Lượng đường huyết thấp nghiêm trọng có thể khiến bạn ngất xỉu (bất tỉnh). Thông thường, bạn sẽ cần có người giúp bạn khi hạ đường huyết nghiêm trọng.
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị hạ đường huyết thường xuyên một hoặc hai lần một tuần, ngay cả khi kiểm soát chặt chẽ. Biết cách xác định và điều trị nó rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn.
(Theo CDC Mỹ)