Về bệnh tiểu đường:
Cơ thể chúng ta cần insulin để chuyển hoá thức ăn thành năng lượng. Insulin giúp đường trong máu chuyển thành năng lượng nuôi dưỡng hoạt động của các tế bào. Bệnh tiểu đường xuất hiện khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể trở nên kháng insulin. Một khi nồng độ insulin không ổn định, lượng đường trong máu sẽ cao.
Có ba loại bệnh tiểu đường:
– Bệnh tiểu đường Tuýp 1 là một phản ứng tự miễn dịch không thể ngăn ngừa;
– Bệnh tiểu đường Tuýp phát triển theo thời gian và có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn được bằng cách giảm cân và lựa chọn lối sống lành mạnh;
– Tiểu đường thai kỳ xảy ra trong thời kỳ bà mẹ mang thai và mặc dù bệnh có thể tự khỏi sau khi sinh nhưng có nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường sau này.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
Bệnh tiểu đường có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch của chúng ta theo thời gian. Trên thực tế, nhiều người mắc bệnh tiểu đường Tuýp 2 sau một thời gian đã phát triển thành một số loại bệnh tim mạch. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch theo những cách sau đây:
– Bệnh tim:
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc nghẽn mạch vành cao gấp 2 đến 4 lần. Bởi vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và lưu lượng máu, là nguyên nhân làm các động mạch bị tắc nghẽn, lưu lượng máu chậm cùng các biến chứng mạch máu khác.
– Huyết áp:
Những người sống chung với bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Hai chứng bệnh này kết hợp với nhau làm căng động mạch, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
– Suy tim:
Bệnh tiểu đường có thể làm cho các động mạch bị tắc nghẽn và các mạch máu cứng lại, có thể khiến tim của chúng ta giảm khả năng bơm máu đi khắp cơ thể.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Mặc dù bệnh tiểu đường Tuýp 1 không thể phòng ngừa được, nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, cũng như việc dùng thuốc. Với bệnh tiểu đường Tuýp 2, chúng ta cũng ngăn ngừa hoặc làm chậm ảnh hưởng của bệnh thông qua chế độ ăn uống và thay đổi lối sống.
Bất kể loại bệnh tiểu đường được chẩn đoán, chúng ta nên đi khám Bác sĩ để lập kế hoạch theo dõi sức khỏe tim mạch. Nếu ai đang cố gắng kiểm soát bệnh tiểu đường Tuýp 2, hãy cân nhắc kết hợp những thay đổi lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình.
– Thay đổi chế độ ăn uống:
Điều chỉnh khẩu phần ăn vừa phải, chế độ ăn cân bằng, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nhằm giúp giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn. Hiện nay, nhiều người sử dụng Phương pháp Đĩa ăn cho Bệnh nhân tiểu đường để kiểm soát bệnh tiểu đường thông qua chế độ ăn uống.
– Kết hợp tập thể dục thường xuyên:
Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giữ cho trái tim khỏe mạnh và giúp chúng ta duy trì cân nặng hợp lý. Tập thể dục có thể đơn giản như đi dạo trong khu phố, hoặc tập tại phòng thể dục với huấn luyện viên. Tìm thứ gì đó mà bạn thực sự yêu thích để việc tập thể dục trong ngày cảm thấy dễ dàng và vui vẻ.
– Theo dõi sức khỏe tim mạch
Vì bệnh tiểu đường thường dẫn đến bệnh tim nên điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe tim mạch nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Việc đi thăm khám Bác sĩ thường xuyên và trao đổi với Bác sĩ về các chỉ số huyết áp, đường huyết, chế độ ăn uống là điều rất cần thiết.
– Quản lý giấc ngủ và căng thẳng:
Hormone gây căng thẳng khi được kích hoạt trong cơ thể chúng ta sẽ gây nên huyết áp cao và đường trong máu tăng. Kiểm soát căng thẳng và ưu tiên sức khỏe tinh thần là cách để kiểm soát bệnh tiểu đường cũng như là để bảo vệ trái tim của chúng ta. Ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm giúp điều tiết các hormone căng thẳng này.
Những thay đổi lối sống tích cực trên đây đóng vai trò quan trọng trong hành trình “chiến đấu” với bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nhu cầu của cơ thể mỗi người đều khác nhau, do vậy chúng ta cần trao đổi với Bác sĩ để có kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường và sức khỏe tim mạch phù hợp nhất cho bản thân.
Lược dịch từ nguồn: https://www.kardia.com/blog/diabetes-and-heart-health